XỬ LÝ HÌNH SỰ ĐỐI VỚI HÀNH VI CHO VAY LÃI NẶNG ĐƯỢC HAY KHÔNG?
Theo tôi, những hành vi này có dấu hiệu tội phạm như cho vay lãi nặng hay tội lừa đảo. Tuy nhiên, để xử lý thì phụ thuộc vào chứng cứ.
Trong trường hợp xử dân sự, kinh nghiệm là trong các hợp đồng mua bán thì điều tiên quyết là sự tự nguyện. Chỉ cần có sự lừa dối hay hiểu nhầm ý có thể xác định hợp đồng vô hiệu. Bị đơn cần chứng minh mình vay nặng lãi bằng các giấy tay, vay mượn trả lãi sao… và xuất phất từ vay nặng lãi dẫn đến bị ép ký giấy bán nhà.
Nếu bên trưng ra hợp đồng mua bán có công chứng, tòa cần làm rõ và yêu cầu họ chứng minh việc mua nhà thanh toán thế nào gồm các đợt, số tiền trả cùng thời gian, địa điểm cụ thể… bởi nguyên tắc hợp đồng mua bán là quyền và nghĩa vụ hai bên luôn song hành, kẻ giao tiền, người giao tài sản. Khi nguyên đơn không chứng minh được, tòa hoàn toàn có thể tuyên chấp nhận lời khai “bị hại” là không có việc mua bán nhà, chỉ là vay mượn rồi phải làm hợp đồng mua bán giả cách hay bán nhà với giá rẻ hơn thị trường rất nhiều. Tòa cần đưa yếu tố tự nguyện này lên hàng đầu để có thể bảo vệ người yếu thế trong vụ án.
Có nhiều vụ chúng tôi tin rằng một bên đương sự bị ép làm hợp đồng giả cách bán nhà, đất để che đậy việc cho vay nặng lãi nhưng đành bất lực bởi phía cho vay lập giấy tờ quá hoàn hảo, đúng luật, cung cấp chứng cứ đầy đủ, rõ ràng. Không ít lần tòa chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu cho vay nặng lãi nhưng sau đó công an cho rằng không có cơ sở để xử lý hình sự. Mặt khác, việc chuyển hồ sơ để công an xác minh các hợp đồng mua bán giả cách là khó khả thi. Bởi lẽ công an không có thẩm quyền xác định hợp đồng vô hiệu hay không, ngoài ra bên cho vay có các thủ đoạn che giấu tinh vi, rất khó tìm chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do vậy tốt nhất để tự bảo vệ mình thì khi đi vay tiền hoặc ký hợp đồng mua bán nhà thì các anh chị nên đến văn phòng luật sư uy tín để được tư vấn và bảo vệ.
Luật sư ĐÀM BẢO HOÀNG