Vụ tai nạn xe máy đi ngược chiều trên cao tốc: Trách nhiệm các bên như thế nào?

 

 

Vụ tai nạn xe máy đi ngược chiều trên cao tốc: Trách nhiệm các bên như thế nào?

Sau khi vụ tai nạn một người điều khiển xe máy đi ngược chiều trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương bị xe tải tông tử vong xảy ra, ngay sau đó Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc liên quan đến trách nhiệm pháp lý của các bên trong vụ việc này. Người thì cho rằng xe máy đi trên đường cao tốc có lỗi nên phải bồi thường, người thì cho rằng tài xế ôtô phải bồi thường.

Nội dung vụ việc

Theo đó, cơ quan chức năng bước đầu xác định, khoảng 22 giờ, ngày 5-2, trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương thuộc địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An xe tải 84C – 055.83 do tài xế T.Q.T (30 tuổi, tỉnh Trà Vinh) lưu thông hướng miền Tây – TP.HCM va chạm với máy 54K4 – 0215 do ông T.H.V (61 tuổi, tỉnh Cà Mau) điều khiển chạy ngược chiều tại làn đường dành cho xe ô tô. Sau va chạm, xe máy bị cán qua nát bét, văng ra thành nhiều mảnh vụn nhỏ, ông V tử vong tại chỗ.

Nhận được tin báo lực lượng CSGT Đội số 7 có mặt phối hợp cơ quan chức năng điều tiết giao thông, khẩn trương điều tra làm rõ vụ tai nạn.

Chia sẻ với PV, Theo anh Nguyễn Lê Duy (Thạnh Đức, huyện Bến Lức) người dân sinh sống cặp tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, trước đây ở 2 đầu đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương luôn có bảo vệ canh xe máy lưu thông vào, nhưng sau khi cao tốc ngừng thu phí, thì xuất hiện nhiều trường hợp xe máy liên tục lưu thông lên đây, có trường hợp vô tình đi nhầm nhưng cũng có trường hợp cố tình đi vào dù đã được cảnh báo.

 

1/ Thưa LS dựa trên những thông tin ban đầu của vụ việc thì theo quy định của pháp luật, trách nhiệm bồi thường trong vụ án này được xác định như thế nào?

Ý KIẾN LUẬT SƯ ĐÀM BẢO HOÀNG

Theo quy định tại Nghị quyết số 02/2022 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ.

Theo đó. chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp như: Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Áp dụng trong vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc TPHCM -Trung Lương thì chủ sở hữu, người điều khiển xe tải 84C – 055.83 phải bồi thường thiệt hại cho ông V. (người điều khiển xe máy) ngay cả khi không có lỗi Trừ trường hợp ông V. cố tình đi vào đường cao tốc (lỗi cố ý).

 

Khi xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần xét yếu tố lỗi của ông V. vì theo quy định tại khoản 4, Điều 585 BLDS và khoản 4, Điều 3, Nghị quyết 02 thì trường hợp cơ quan điều tra kết luận ông V. cũng có một phần lỗi thì ông V. sẽ không được nhận toàn bộ các khoản bồi thường mà sẽ bị trừ đi phần được bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó.

Về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, trường hợp kết quả điều tra cho thấy tài xế T. là chủ sở hữu chiếc xe tải nói trên thì ông T phải có trách nhiệm bồi thường.

Trường hợp tài xế T. chiếm giữ, sử dụng chiếc xe tải của người khác trái phép và chủ sở hữu chiếc xe tải này cũng có lỗi trong việc để phương tiện bị chiếm giữ trái phép thì lúc này cả tài xế T. và chủ sở hữu phương tiện phải liên đới bồi thường thiệt hại.

 

2/ LS có đánh giá như thế nào về trách nhiệm hình sự của tài xế xe tải trong vụ tai nạn này?

Ý KIẾN LUẬT SƯ ĐÀM BẢO HOÀNG

Về trách nhiệm hình sự trong vụ án, để xác định có hay không trách nhiệm hình sự của tài xế xe tải thì cần phải xem xét toàn diện, đầy đủ yếu tố lỗi của tài xế xe tải khi tham gia giao thông trên cao tốc.

Theo đó, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người lái xe ôtô trong trường hợp này còn phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan điều tra.

 

Cụ thể, trong quá trình điều tra cơ quan điều tra sẽ xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ, tiến hành trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Xác định lỗi của các bên trong vụ án, xác định có lỗi của người điều khiển xe ôtô hay không, chẳng hạn như: vượt quá tốc độ, có sử dụng rượu bia, không đảm bảo khoảng cách an toàn trên cao tốc theo quy định… Trường hợp kết luận điều tra xác định có lỗi của tài xế xe ôtô và đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất của tội này khi gây hậu quả chết người là phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

 

3/ Theo quy định đường cao tốc sẽ không cho phép xe máy chạy vào. Vậy để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra thì LS có đề xuất, kiến nghị gì tới các cơ quan chức năng ?

Ý KIẾN LUẬT SƯ ĐÀM BẢO HOÀNG

Hiện nay, việc xử phạt xe máy đi vào đường cao tốc được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Đối với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 500.000 – 01 triệu đồng).

Đặc biệt, xe máy đi vào đường cao tốc gây tai nạn giao thông, mức phạt cao hơn, từ 04 – 05 triệu đồng (trước đây chưa quy định).

Ngoài ra, xe máy đi vào đường cao tốc còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng; đi vào đường cao tốc không đúng quy định gây tai nạn giao thông bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

Trong một số trường hợp, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xe máy đi vào đường cao tốc còn có thể bị xử lý hình sự.

Theo tôi để hạn chế tình trạng vi phạm trên thì ngoài việc tuyên truyền  phổ biến trên các phương tiện truyền thông: ti vi, báo đài, mạng xã hội thi còn phải sửa luật theo hướng xử phạt nẵng hơn nữa. Ví dụ xe máy đi vào cao tốc thì sẽ bị tịch thu phương tiện hoặc số tiền xử phạt từ 15-20 triệu đồng. Theo tôi với mức xử phạt tiền thật cao như trên thì chắc chắn sẽ giảm bớt xe gắn máy đi vào cao tốc.

Bên cạnh đó cần thể hiện các hình thức xử phạt, số tiền bị phạt nếu xe máy đi vào cao tốc trên các tuyến đường có cao tốc để mọi người hiểu biết hơn. Ngoài ra trên các đoạn đường dẫn chuẩn bị vào cao tốc cũng cần có biển báo to, rõ ràng dấu hiệu cấm xe vào cao  tốc…để tránh người điều khiển nhầm lẫn.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐÀM BẢO HOÀNG

Địa chỉ: số 38/3 (Tầng trệt) đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP.HCM

Điện thoại: (028)39972098- Luật sư Đàm Bảo Hoàng 0903371160

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.