Thuế VAT 10% với GRAB, buộc ngân hàng khấu trừ thuế trong Nghị định 126 liệu có hợp lý? | CAFELAND
https://www.youtube.com/watch?v=DrR4778vY48&feature=emb_title
TalkShow cùng CafeLand TV
Khách mời:
– Luật sư: ĐÀM BẢO HOÀNG
– Chuyên gia: HỒ BÁ TÌNH
– MC: TRẦN THỊ THỤC ANH
Chủ đề: Nghị định 126: Dưới góc nhìn của Luật sư và Chuyên gia
Thời gian qua, Nghị định 126/2020 Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế đã gây ra nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận. Một số quan điểm cho rằng nhiều nội dung không phù hợp với các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, nhiều điểm quy định trong Nghị định này đi ngược với tinh thần chung quá trình cải cách thuế và xu hướng phát triển các hình thức kinh doanh trong trong kinh tế trong cách mạng 4.0.
Một số quan điểm lại ủng hộ Nghị định này và cho rằng những quy định này thực tế đã có trong các bộ luật và những quy định chi tiết này là cần thiết để đảm bảo việc thu thuế công bằng và minh bạch hơn. Trước những vấn đề đó, hôm nay CafeLand TV tổ chức chương trình Talkshow với chủ đề Nghị định 126: Dưới góc nhìn của Luật sư và Chuyên gia. Chúng tôi rất hân hạnh mời được LS Đàm Bảo Hoàng – Trưởng Văn Phòng LS Đàm Bảo Hoàng và anh Hồ Bá Tình để cùng trò chuyện.
Câu hỏi số 1:
1. Theo anh đâu là điểm cần lưu ý nhất và có sự khác biệt trong Nghị định 126 so với các quy định trước đây?
Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:
1. Cách xác định kê khai thuế GTGT, thuế TNCN theo quý:
Nghị định quy định rõ, người nộp thuế tự xác định thuộc đối tượng khai thuế theo quý để thực hiện khai thuế theo quy định.
Cụ thể:
– Người nộp thuế đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.
Đối với trường hợp người nộp thuế đang thực hiện khai thuế theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế theo quý và lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý thì gửi văn bản đề nghị thay đổi kỳ tính thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 31 tháng 01 của năm bắt đầu khai thuế theo quý. Nếu sau thời hạn này người nộp thuế không gửi văn bản đến cơ quan thuế thì người nộp thuế tiếp tục thực hiện khai thuế theo tháng ổn định trọn năm dương lịch.
– Trường hợp người nộp thuế tự phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ tháng đầu của quý tiếp theo. Người nộp thuế không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý và phải tính tiền chậm nộp theo quy định.
– Trường hợp cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số người nộp thuế đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.
2. Các trường hợp được khai thuế GTGT, thuế TNCN theo quý
* Khai thuế GTGT theo quý áp dụng đối với các trường sau:
– Người nộp thuế thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng GTGT theo tháng nếu có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được khai thuế GTGT theo quý. Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế GTGT của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.
Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.
– Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế GTGT theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế GTGT theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.
* Khai thuế TNCN theo quý áp dụng đối với các trường sau:
Người nộp thuế thuộc diện khai thuế TNCN theo tháng nếu đủ điều kiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì được lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
Việc khai thuế theo quý được xác định một lần kể từ quý đầu tiên phát sinh nghĩa vụ khai thuế và được áp dụng ổn định trong cả năm dương lịch.
3. Các trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế:
– Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.
– Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống (trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản).
– Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
– Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định.
– Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định.
4. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh:
– Trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tạm ngừng hoạt động, kinh doanh được cơ quan thuế xác định lại nghĩa vụ thuế khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Lưu ý:
– Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, người nộp thuế không được sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn thì phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo quy định.
– Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
– Người nộp thuế tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại đúng thời hạn đã đăng ký thì không phải thông báo với cơ quan nơi đã đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định.
– Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế không được đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh khi cơ quan thuế đã có Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
ĐIỂM KHÁC BIỆT:
1. Ngân hàng phải cung cấp các thông tin tài khoản khách hàng theo đề nghị của cơ quan thuế
Khoản 2 Điều 30 quy định, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm:
+ Tên chủ tài khoản;
+ Số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp;
+ Ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo quy định trên được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày 05/12/2020.
Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.
(Quy định hiện hành tại Nghị định 83/2013/NĐ-CP không đề cập đến vấn đề này)
2. 05 trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế
Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế trong các trường hợp sau đây:
– Người nộp thuế chỉ có hoạt động, kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với từng loại thuế.
– Cá nhân có thu nhập được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 79 Luật Quản lý thuế trừ cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; chuyển nhượng bất động sản.
– Doanh nghiệp chế xuất chỉ có hoạt động xuất khẩu thì không phải nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng.
– Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020.
– Người nộp thuế nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế, trừ trường hợp chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của khoản 4 Điều 44 Luật Quản lý thuế.
(Quy định hiện hành tại Nghị định 83/2013/NĐ-CP không đề cập đến vấn đề này).
3. Bổ sung hướng dẫn về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế
Luật quản lý thuế 2019 bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, cụ thể là “Cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Vì vậy, tại Nghị định 126/2020 đã bổ sung hướng dẫn chi tiết về biện pháp này so với Điều 19 Nghị định 129/2013/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn Nghị định này.
4. Không được xóa nợ số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa
Căn cứ quy định tại Điểm h Khoản 2 Điều 5 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì người nộp khoản thu khác vào ngân sách nhà nước được xoá nợ số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 85 của Luật Quản lý thuế, trừ khoản thu về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.
Hồ sơ, thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết hồ sơ xoá nợ thực hiện theo quy định tại Điều 86, Điều 87 và Điều 88 của Luật Quản lý thuế.
Như vậy, người nộp thuế sẽ không được xóa nợ số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
(Hiện hành Khoản 3 Điều 48 Thông tư 156/2013/TT-BTC chỉ quy định không xóa nợ đối với tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, việc xoá nợ đối với tiền sử dụng đất và tiền thuê đất được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai).
5. Các trường hợp không phải cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công không phải khai quyết toán thuế TNCN
Căn cứ Điểm d.3 Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì cá nhân có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trực tiếp khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế, trừ các trường hợp sau đây:
– Cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống (mới);
– Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo;
– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này;
– Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động thì người lao động không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập này (mới).
(So sánh với Điều 12 Thông tư 151/2014/TT-BTC )
6. Hướng dẫn chi tiết về địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh
Khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:
– Khai thuế giá trị gia tăng của dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 7 Nghị định 126 tại nơi có dự án đầu tư.
– Khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
– Khai thuế giá trị gia tăng tại nơi có nhà máy sản xuất điện.
– Khai thuế tiêu thụ đặc biệt tại nơi sản xuất, gia công hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc nơi cung ứng dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán).
Trường hợp người nộp thuế trực tiếp nhập khẩu hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sau đó bán trong nước thì người nộp thuế phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nơi người nộp thuế có trụ sở chính.
– Khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường, trừ thuế bảo vệ môi trường của hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 11 Nghị định 126.
– Khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh than (gồm cả trường hợp tiêu dùng nội bộ), trừ thuế bảo vệ môi trường quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 11 Nghị định 126.
– Khai thuế tài nguyên (trừ thuế tài nguyên đối với hoạt động sản xuất thủy điện trong trường hợp lòng hồ thủy điện của nhà máy thủy điện nằm chung trên các địa bàn cấp tỉnh; hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô; hoạt động khai thác, xuất bán khí thiên nhiên và thuế tài nguyên của tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu; khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật).
– Khai thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Khai phí bảo vệ môi trường tại nơi khai thác khoáng sản (trừ dầu thô, khí thiên nhiên và khí than; tổ chức thu mua gom khoáng sản từ người khai thác nhỏ lẻ).
– Khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.
7. Quy định cụ thể về khai, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán
Nghị định 126 quy định việc tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán, cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán như sau:
– Đối với cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán cùng loại như sau:
+ Đối với chứng khoán thông qua hệ thống giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán thì tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư.
+ Đối với chứng khoán không thông qua hệ thống giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán thì tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay như sau:
Chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán thì tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán.
Chứng khoán của CTCP chưa là công ty đại chúng nhưng tổ chức phát hành chứng khoán ủy quyền cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông thì tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay là công ty chứng khoán được ủy quyền; chứng khoán không thuộc trường hợp quy định nêu tại đoạn này thì tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay là tổ chức phát hành chứng khoán.
– Đối với cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn thì tổ chức nơi cá nhân có vốn góp có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn khi cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.
– Đối với cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán thì tổ chức nơi cá nhân góp vốn có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
8. Theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 thì tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà người nộp thuế đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.
Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn …
Câu hỏi số 2:
Nội dung nhận được nhiều quan tâm của dư luận hiện nay là theo Điều 30 “Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế”. Và “Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.
Luật sư đánh giá gì về nội dung này nó có phù hợp với quy định của Luật hiện hành như luật về “bí mật thông tin khách hàng”?
Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:
Trước đây tại Luật tổ chức tín dụng năm 2010 đã có quy định về Bảo mật thông tin khách hàng Theo Điều 14:
1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoàiphải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
-Đến năm 2018 thì Chính phủ ban hành Nghị định 117/2018 hướng dẫn Luật tổ chức tín dụng cũng có quy định về điều khoản bảo mật thông tin khách hàng. Nội dung lần này thì cụ thể hơn và chặt chẽ hơn so với Luật TCTD năm 2010. Cụ thể:
1. Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.
Căn cứ quy định trên từ trước đến nay các tổ chức tín dụng chỉ cung cấp thông tin khách hàng cho các cơ quan hành pháp và tư pháp (công an, VKS, Tòa án..). Trong khi cơ quan thuế không phải là cơ quan hành pháp hoặc tư pháp.
Mà các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo luật chuyên ngành cao nhất chính là Luật TCTD nếu trong trường hợp có các văn bản khác mâu thuẫn với Luật tổ chức tín dụng.
Theo quan điểm cá nhân tôi thì việc yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan Thuế khi chưa có ý kiến của cơ quan hành pháp hoặc tư pháp là vi phạm cam kết bí mật thông tin khách hàng. Cần phải có cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thuế và cơ quan hành pháp hoặc tư pháp để tránh sự lạm dụng quyền lực, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và tranh chấp sẽ bủng nổ khi giao toàn quyền này cho cơ quan thuế như Nghị đình 126 vừa qua.
Tôi ví dụ khi cơ quan Thuế nghi ngờ, phát hiện các tổ chức cá nhân có dấu hiệu trốn thuế thì cần phải phối hợp cơ quan cảnh sát điều tra, VKS để cùng yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin. Điều này không những giúp các tổ chức tín dụng hợp tác với cơ quan Thuế vì không sợ bị khiếu nại, khởi kiện mà còn giúp cơ quan Thuế cũng đỡ bị áp lực trong việc một thân một mình truy thu thuế và xử lý đối tượng trốn thuế cũng như không vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin của các tô chức tín dụng và giúp người dân, tổ chức yên tâm gửi tiền tại ngân hàng thay vì chuyển sang giao dịch tiền mặt.
Câu hỏi số 3:
3-Một điểm cũng đang gây được chú ý dư luận là Tại Khoản 3, Điều 30 quy định về việc Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Quy định này được hiểu như thế nào? Có phải là NHTM tự động giữ lại phần thuế của các nhà cung cấp dịch vụ rồi nộp lại cho cơ quan thuế hay không?
Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:
Quy định này hiểu như sau: NHTM thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp ở nước ngoài).
-Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.
–Trường hợp NHTM, tổ chức trung gian không thực hiện được khấu trừ, nộp thay thì có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hằng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Câu hỏi số 4:
4-Dưới góc độ của một Luật sư ông có cho rằng việc nộp thuế thay có phải là trách nhiệm của ngân hàng hay không hay là họ chỉ được nộp tiền khi nhận được yêu cầu của chính chủ tài khoản?
Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:
Theo tôi việc nộp thuế thay không phải là trách nhiệm của Ngân hàng. Ngân hàng thực hiện công việc này là vượt quá quyền hạn và chức năng ngành nghề đăng ký kinh doanh của ngân hàng. Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Nay yêu cầu Ngân hàng thực hiện khấu trừ tiền là vượt quá quyền hạn Ngân hàng và đẩy ngân hàng vào tình thế khó khăn: khách hàng mất niềm tin không dám giao dịch qua ngân hàng nữa vì sợ bị khấu trừ thuế thay cho cơ quan thuế.
Theo tôi ngân hàng chỉ có quyền khấu trừ thuế khi được sự đồng ý của chủ tài khoản đó. Nếu khách hàng không đồng ý thì ngân hàng chỉ được phong tỏa tải khoản hoặc khấu trừ thuế theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng trong khi chờ có kết luận hoặc bản án của cơ quan có thẩm quyền.
Câu hỏi số 5:
5-Một điểm nữa trong Nghị định cũng được quan tâm nhiều của dư luận là: Theo Điểm C, Khoản 5, Điều 7, Nghị định 126 thì “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh.
Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.”
Theo quy định của điều khoản này được hiểu là các công ty kết nối vận tải như Grab, Bee, Gojek hoặc các hợp tác xã là đối tác vận tải của các công ty này sẽ phải kê khai doanh thu vận tải của tài xế xe công nghệ, thu hộ và nộp thuế GTGT ở mức 10%, tức là tăng 7% so với hiện tại. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?
Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:
DN cung cấp ứng dụng gọi xe công nghệ đang yêu cầu các tài xế tự kê khai, nộp thuế GTGT. Theo đó, các tài xế này sẽ nộp thuế GTGT 3% theo doanh thu của họ. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế mới tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và chỉ đạo của Chính phủ, taxi công nghệ phải được coi là hoạt động kinh doanh vận tải, tức là các đơn vị kinh doanh taxi công nghệ cũng phải có nghĩa vụ thuế giống như taxi truyền thống.
Do vậy, các hãng taxi công nghệ sẽ phải tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh kê khai lại thuế như các DN bình thường.
Thuế suất 10% nhưng theo phương pháp khấu trừ, tức là các tài xế được khấu trừ đầu ra – đầu vào chứ không phải tính trên toàn bộ doanh thu. Vì vậy, về cơ bản nghĩa vụ thuế GTGT sẽ không thay đổi, chỉ có điều DN sẽ phải hạch toán đầu ra, đầu vào để xác định nghĩa vụ thuế cho các tài xế.
Ví dụ: trước đây, đặt một chuyến xe công nghệ hết tổng cộng 100.000 đồng. Nếu phía công ty nhận về 20.000 đồng và chỉ phải kê khai 10% thuế GTGT cho phần thu của mình. Còn tài xế nhận 80.000 đồng và phải chịu 3% thuế GTGT, cùng 1,5% thuế TNCN đối với phần của mình.
Theo cách tính mới, khi thu tổng cộng 100.000 đồng thì phía công ty phải kê khai, nộp thuế GTGT với mức 10% đối với toàn bộ doanh thu 100.000 đồng, còn tài xế sẽ chỉ bị khấu trừ 1,5% thuế TNCN mà không phải nộp thêm khoản thuế 3% thuế GTGT đối với phần thu của cá nhân mình nữa. Công ty sẽ phải chịu trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế cho toàn bộ doanh thu của đối tác tài xế xe công nghệ. Tuy nhiên, phía công ty lại được khấu trừ thuế GTGT. “Như vậy, theo cách tính mới thì quyền lợi tài xế công nghệ không bị ảnh hưởng mà còn minh bạch hơn trong việc kê khai, quản lý thuế”
Câu hỏi số 6:
Theo Ông các quy định về chung ta bàn luận ở trên Nghị định 126 có làm tăng hiệu quả thu thuế hay không và nó ảnh hưởng thế nào đến người dân, doanh nghiệp và ngân hàng hay không? Cần phải sửa gì từ Nghị định này?
Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời::
-Theo tôi với quy định tại Nghị định 126 nêu trên chưa chắc sẽ tăng hiệu quả thu thuế. Bởi vì: thứ nhất người dân, tố chức sẽ đối phó bằng cách hạn chế gửi tiền ngân hàng mà chuyển sang giao dịch tiền mặt và nhiều hình thức khác. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ngân hàng nghiêm trọng trừ khi ngân hàng đó cam kết không hợp tác, không cung cấp thông tin và khấu trừ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Trước sự tồn vong và phát triển của Ngân hàng thì ngân hàng có khả năng rất cao là từ chối hợp tác cơ quan thuế vì ngân hàng có quyền chỉ thực hiện theo văn bản cao nhất trong lãnh vực chuyên môn là Luật tổ chức tín dụng năm 2010 và văn bản hướng dẫn thi hành thay vì thực hiện theo nghị định 126/CP- văn bản có giá trị thấp hơn Luật tổ chức tín dụng- do Quốc Hội thông qua.
-Rất nhiều điểm mới trong Nghị định được đánh giá là điểm sáng và tạo bước đột phá nhưng bên cạnh đó còn có những điểm “nghẽn” mà các chuyên gia, doanh nghiệp thậm chí giới luật sư tỏ ra e ngại.
Theo tôi quy định hướng dẫn tại Nghị định 126 đang không đúng với nguyên tắc đưa ra tại Luật thuế TN đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Luật cho phép người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính đối với toàn bộ các đơn vị phụ thuộc, không phân biệt có được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hay không.
Tuy nhiên, Nghị định 126 yêu cầu doanh nghiệp kê khai và nộp thuế riêng đối với các đơn vị phụ thuộc được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, hướng dẫn thi hành tại Nghị định 126 lại không đúng với nguyên tắc đưa ra tại văn bản cấp trên và các nguyên tắc thuế được áp dụng từ trước đến nay.
Ngoài ra, quy định tại Nghị định 126 tận thu và không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mở rộng. Với cùng một hoạt động sản xuất kinh doanh (ví dụ trường học, bệnh viện), doanh nghiệp phải triển khai các cơ sở tại nhiều địa bàn trên cả nước để tăng khả năng tiếp cận khách hàng và hỗ trợ phát triển hệ thống dài hạn. Tùy vào giai đoạn phát triển của từng cơ sở và đặc điểm kinh tế của từng địa bàn mà các đơn vị trực thuộc có kết quả kinh doanh khác nhau.
Theo Nghị định 126 thì các đơn vị trực thuộc ở địa bàn khác trụ sở chính mà được hưởng ưu đãi thuế thì phải kê khai nộp thuế riêng, như vậy nếu lãi thì sẽ phải nộp thuế dù kết quả tổng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lỗ. Như vậy là không hợp lý và không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mở rộng.
Phân tích thêm về vấn đề này, một số chuyên gia tài chính và đại diện doanh nghiệp cho rằng, quy định không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để hỗ trợ sự phát triển chung của xã hội.
Về nguyên tắc, quy định thuế khuyến khích việc đầu tư tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn để phát triển xã hội bằng cách đưa ra ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh doanh tại các địa bàn này. Tuy nhiên, theo nội dung tại Nghị quyết 126 thì việc đầu tư tại các địa bàn này lại mang lại bất lợi về thuế cho các doanh nghiệp.
“Theo tôi nên sửa đổi để phù hợp với nguyên tắc đưa ra tại Khoản 3, Điều 42, Luật quản lý thuế số 38, như sau: Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước”,
Ngoài ra theo tôi riêng Nghị định 126 cần phải sửa đối bổ sung thêm: việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin, lịch sử giao dịch của khách hàng…thì phải có đồng ý của cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải có riêng cơ quan Thuế. Điều này bảo đảm việc cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin là có kế hoạch, đã nghiên cứu thu thập chứng cứ đối tượng có dấu hiệu trốn thuế vừa tránh sự lạm quyền, và khiếu nại kiện tụng.
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐÀM BẢO HOÀNG
Địa chỉ: số 38/3 (Tầng trệt) đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam
Điện thoại: (028)39972098 – (028)39972069 . Luật sư Đàm Bảo Hoàng 0903371160.