TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

HỎI: 

Xin chào Luật sư,

Gia đình tôi đang gặp một sự việc như  sau:

Ông bà nội có miếng đất khai hoang rộng 392m2 và căn nhà cấp 4 cùng trên thửa đất nằm tại Quận 9 nhưng chưa có giấy CNQSDĐ. Ông Bà có 7 người con gồm 4 trai và 3 gái. Riêng chỉ có Ba tôi là con út nên ở cùng ông Bà.

–          Bà mất năm 1985 không để lại di chúc.

–          Ông mất năm 1993. Khi ông mất chỉ để lại tờ đi chúc cho Ba tôi toàn quyền sử dụng thửa đất và căn nhà trên có UBND Phường làm chứng đóng dấu. Nhưng do Ba tôi không hiểu pháp luật nên không đi khai nhận tài sản đó mà để tới bây giờ mới đi xin cấp giấy CNQSDĐ. Thì được trả lời là di chúc hết hiệu lực nên không thể cấp được cho Ba tôi. Nếu muốn được cấp giấy CNQSDĐ thì phải có các Anh Chị đồng ý cho thì mới làm được giấy. Sau đó Ba tôi có nói chuyện với các Bác thì các Bác không chịu mà đòi Ba tôi chia cho một nửa thửa đất đó hoặc đưa tiền thì mới chịu ký giấy cho. Ba tôi nói chỉ có thể đưa cho mỗi người 50 triệu thôi. Thì các Bác không chịu mà làm đơn thưa Ba tôi ra Phường. Mà Phường có cử người xuống nhà gặp Ba tôi rồi.

Xin hỏi Luật Sư

1, Các Bác thưa Ba tôi như vậy có đúng pháp Luật không ? Tòa sẽ xử như thế nào ?

2, Ba tôi đưa tờ di chúc ra có hợp pháp không ? Tòa có căn cứ vào đó mà xử cho Ba tôi thắng không ?

3, Ba tôi có bị mất nhà không ? có bị các Bác đuổi ra khỏi nhà không ?

4, Với tờ di chúc đó Ba tôi có cách nào làm được giấy CNQSDĐ không ?

Rất mong được sự tư vấn của Luật Sư (Đỗ Đ. T)

Luật sư trả lời:

Chào bạn T,

Liên quan đến câu hỏi của bạn, luật sư đã xem xét và trả lời như sau:

Vì mảnh đất trên được ông bà nội của bạn cùng khai hoang và xây dựng nhà cấp bốn, mặc dù ông bà chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng theo quy định pháp luật thì nguồn gốc đất và quyền sử dụng định đoạt mảnh đất trên là của cả ông bà nội.

Do đó khi bà nội bạn mất năm 1985 không để lại di chúc thì theo quy định của pháp luật đây là thời điểm mở thừa kế. Mảnh đất trên sẽ được chia đôi cho ông nội 1 nửa, bà nội một nửa tức là ông nội được nhận 392/2 = 196 m2, bà nội được nhận 196 m2.

Vì bà nội bạn không để lại di chúc do đó phần của bà nội 196 m2  sẽ được chia theo pháp luật. Những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật bao gồm 7 người con và chồng của bà là ông nội, tổng cộng là 8 phần. Mỗi người con trong đó có bố của bạn cùng với ông nội của bạn sẽ được hưởng từ phần của bà nội là 196/8=24,5 m2.

  1. Trong trường hợp nếu các bác của bạn thưa kiện ba của bạn ra pháp luật là có cơ sở, thì tòa sẽ chia phần quyền sử dụng đất của bà nội cho người thừa kế theo pháp luật như trên.
  2. Theo quy định tại khoản 4 Điều 667 Bộ luật Dân sự thì hiệu lực di chúc của ông nội không bị vô hiệu, cơ quan chức năng trả lời di chúc hết hiệu lực là không đúng. Do đó bố của bạn sẽ được hưởng phần thừa kế đất của ông nội là 196 m2 + 24,5 m2 = 220,5 m và 1 phần 24,5 m2 từ bà nội. Tổng cộng diện tích đất bố bạn được hưởng là 220,5 m2 + 24,5 m= 245 m2.
  3. Đối với phần nhà ở trên đất thì cũng được chia theo quy định pháp luật. Trong trường hợp này thì căn nhà cũng được định giá và chia giống như mảnh đất của ông bà nội để lại.
  4. Đối với tờ di chúc trên thì hiện tại ba của bạn chưa thể dùng tờ di chúc đó để làm giấy tờ quyền sử dụng đất vì đất đang có tranh chấp. Trên cơ sở bản án hoặc phán quyết của tòa án (nếu có thừa kiện) hoặc các bên liên quan cùng thỏa thuận ký vào giấy tờ đồng ý đất không có tranh chấp thì ba bạn mới có cơ sở để xin cấp Giấy CNQSĐ.

Thân ái,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.