KHAI TỬ MẸ ĐỂ ĐỘC CHIẾM GIA SẢN

Chổng bỏ theo người khác, hơn 30 năm, bà ở vậy nuôi con khôn lớn. Nay tuổi già sức yếu, những tưởng sẽ được vui vầy bên con cháu, thì bà lại phải gạt nước mắt đi kiện….chính con ruột của mình vì những việc làm trái đạo lý của con. Chuyện xảy ra ở phường 14, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ăn thua đủ

Bà Nguyễn Thị Ngọc, 86 tuổi, nhà ở đường Tân Hòa Đông (phường 14, quận 6) cay đắng kể, cách nay hơn 30 năm, chồng bà theo người đàn bà khác, bỏ lại cho bà ba người con. Bà không tái giá. Lần lượt, ba người con của bà trưởng thành, yên bề gia thất. Bà sống với vợ chồng người con trai thứ ba là Nguyễn Văn Tư, tại số 70 Tân Hòa Đông (phường 14, quận 6). Đây là căn nhà do bà xây cất và đứng tên từ năm 1970, có đăng ký kê khai nhà đất đầy đủ. Từ năm 1999, do tuổi già sức yếu, không tự đi lại được, bà đã nhờ ông Tư đi làm các thủ tục kê khai giúp, nhưng chủ sở hữu vẫn đứng tên ab2.

Đến năm 2009, thấy hai người con còn lại có cuộc sống khó khăn, bà quyết định bán nhà, lấy tiền chia cho các con làm ăn, nhưng gặp sự ngăn cản quyết liệt của vợ chồng ông Tư. Sau nhiều lần thuyết phục con đưa giấy tờ nhà không được, bà Ngọc đã đến các cơ quan chức năng của Quận 6 trích lục hồ sơ gốc. Tại đây, bà bất ngờ phát hiện nhiều giấy nhà đất trước đây do mình đứng tên đã được chuyển sang tên ông Tư dù bà chưa bao giờ làm thủ tục mua bán, tặng cho. Lúc này, vợ chồng ông Tư ra mặt công khai tranh giành tài sản với bà. Hết cách, cũng trong năm 2009, bà làm đơn gửi các cơ quan chức năng quận 6 đề nghị ngăn chặn việc ông Tư làm giấy chủ quyền nhà, đồng thời gửi đơn khiếu kiện đến Tòa án nhân dân quận 6. Theo bà Ngọc, ban đầu, bà làm việc này chỉ nhằm dọa con giao trả giấy tờ nhà, nhưng vợ chồng người con trai bà thương yêu nhất vẫn quyết ăn thua đủ với bà tại Tòa.

Sau nhiều lần hòa giải không thành, ngày 16/11/2011, TAND quận 6 đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, vợ chồng ông Tư đã đưa ra nhiều giấy tờ khẳng định bà Ngọc đã bán nhà cho mình từ lâu nhưng qua xem xét, nhận thấy giấy tờ có nhiều vết tẩy xóa, nội dung không rõ ràng nên TAND Quận 6 tuyên xử buộc vợ chồng ông Tư phải giao trả lại nhà cho bà Ngọc.

Không chịu thua, vợ chồng ông Tư kháng cáo. Thật bất ngờ, ngày 01/03/2012, tai phiên phúc thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên xử vợ chồng ông Tư thắng kiện.

Thua kiện, bà lủi thủi quay về lục giấy tờ một số căn nhà do ông bà trước đây để lại mà bà có phần thừa kế, nhằm chia phần thừa kế đó cho các con, nhưng một cú sốc nữa lại ập đến : bà không tin vào mắt mình khi phát hiện trên giấy tờ mình đã ….. chết cách nay gần 20 năm.

Khai tử mẹ, khai trừ anh em

Cầm tờ giấy chứng tử trong tay, bà Ngọc rưng rưng : “ Chỉ có người thân trong gia đình mới khai báo giấy chứng tử cho tui, vậy cái giấy này do ai làm?”. Bà Ngọc còn đưa chúng tôi xem văn bản đề nghị nhận thừa kế, trong đó hai người xin nhận thừa kế là bà Nguyễn Thị Liễu (chị của bà Ngọc, 99 tuổi) và ông Tư. Theo văn bản, chồng bà Ngọc chết từ năm 1983, bà Ngọc chết từ năm 1992. Hai vợ chồng chỉ có duy nhất một con là ông Tư. Trước khi chết, bà Ngọc không để lại di chúc. Ông Tư còn cam kết những lời khai của mình là hoàn toàn đúng sự thật, xin đem tài sản riêng của mình ra để bảo đảm cho lời khai này và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Như vậy, ngoài việc khai tử mẹ, anh trai của ông Tư là Nguyễn Văn Rớt và em gái là Nguyễn Thị Bông cũng đã bị khai trừ khỏi danh sách thừa kế. Kết quả, ông Tư đã được Phòng công chứng số 7 (TP.HCM) chứng nhận cho nhận thừa kế một phần tài sản của ba căn nhà (75/32, 75/36 và 75/40 Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6). Sau khi được nhận tài sản thừa kế, ông Tư đã làm các thủ tục chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cả ba căn nhà này, sau đó chuyển nhượng các tài sản trên cho người khác.

Theo Luật sư Đàm Bảo Hoàng – Trưởng văn phòng luật sư Đàm Bảo Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM): theo nguyên tắc, người khai nhận thừa kế tự khai và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sau khi công chứng viên ghi nhận lời khai của người tự khai phải niêm yết văn bản đề nghị nhận thừa kế cùng với lời tự khai tại UBND phường nơi người đó cư trú. Sau một tháng niêm yết, chính quyền địa phương sẽ xác nhận văn bản đề nghị nhận thừa kế này có người tranh chấp hay không, nếu không có người tranh chấp thì Phòng công chứng mới xác nhận cho nhận thừa kế. Trong trường hợp này, ông Tư đã khai gian dối. Như vậy, cần xem lại Phòng công chứng số 7 có thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục về niêm yết công khai hay không?

Ngày 22/2/2012, bà Ngọc lại tiếp tục làm cái việc mà mình không muốn : gửi đơn đến TAND Quận 6 tố cáo những việc làm sai trái của con, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý. “Có mẹ nào không thương con, nhưng đã sống thì chúng phải biết thương yêu cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Tui đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những việc làm sai trái của chúng là vì tui thương chúng” – bà Ngọc nói.

PHAN TRÍ

 

Cần làm rõ ai đã tiếp tay khai tử bà Ngọc

Giấy chứng tử ghi rõ, bà Ngọc sinh năm 1926, thường trú tại số 78/32 Tân Hòa Đông (phường 14, quận 6), chết tại nhà vào ngày 26/02/1992, nguyên nhân : do bệnh già. Nơi đăng ký : UBND P.14, Q.6. Người ký giấy chứng tử này là bà Trần Thị Thúy Nga (không ghi chức vụ). Ngày 08/07/2010, ông Nguyễn Vĩnh Ngân – Phó chủ tịch UBND P.14, Q.6 đã ký và đóng dấu bản sao giấy chứng tử này. Ngày 22/10/2011, khi người nhà của bà Ngọc đến UBND P.14 hỏi lại vụ việc thì UBND P.14, Q.6 có văn bản số 543/UBND trả lời, không tìm thấy tên bà Ngọc trong sổ bộ khai tử năm 1992. Như vậy, đây là giấy chứng tử giả hay thật? Nếu là giấy thật thì ai đã tiếp tay cho kể khai tử bà Ngọc?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.