Các vấn đề liên quan hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội.

 

  • Các vấn đề liên quan hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội.

Người hỏi: Anh Nam, cư trú  Quận 1,TP.HCM.

  1. Hợp đồng bán thời gian nhưng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và có thỏa thuận tiền lương phải trả cao hơn mức lương tối thiểu thì phải tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc?

Khi xét đối tượng đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc, pháp luật căn cứ vào loại hợp đồng lao động được ký kết theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật lao động hiện hành. Xét loại hợp đồng bán thời gian hoặc toàn thời gian là hình thức phân loại theo thời gian làm việc trong ngày, không được áp dụng để phân loại hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 22 nêu trên.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định rõ các trường hợp người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó cần lưu ý điểm (a) và (b):

“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;…”

Điểm a khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động)” là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thuộc nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.

Đồng thời, khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm hiện hành quy định rõ các trường hợp người lao động phải tham gia BHTN bắt buộc, cụ thể:

“1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

  1. a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
  2. b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
  3. c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng….”

Kết luận: Hợp đồng bán thời gian nhưng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì phải tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.

 

Người hỏi: Chị Liên cư trú tại Biên Hòa: 

Nếu NLĐ ký kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì hợp đồng ký kết giữa người sử dụng LĐ và người lao động đầu tiên sẽ là căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp? Những người sử dụng lao động khác tuy không phải tham gia bảo hiểm cho người lao động này nhưng người sử dụng lao động vẫn phải trả thêm phần chênh lệch bảo hiểm phải đóng cho người lao động vào lương của NLĐ?

Điều 4 Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10.5.2013 của Chính phủ hướng dẫn về hợp đồng lao động quy định trong trường hợp NLĐ giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động (thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN) thì “người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.”

Khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm cũng có quy định tương tự đối với người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động đầu tiên và không có quy định cụ thể đối với người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại.

Kết luận: Nếu NLĐ ký kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì hợp đồng ký kết giữa NLĐ và người sử dụng lao động đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BHTN. Người sử dụng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cho NLĐ khoản tiền tương đương mức đóng BHXH bắt buộc, BHTN thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động đó (nghĩa là người sử dụng lao động còn lại vẫn phải thanh toán khoản tiền đóng BHXH bắt buộc, BHTN như là tham gia BHXH, BHTN thông thường nhưng thanh toán tiền cho NLĐ chứ không thanh toán cho cơ quan BHXH).

Người hỏi: Chị Ngọc, cư trú tại Quận 2, TP.HCM.

Thời gian tăng ca của NLĐ không quá 30 giờ trong 1 tháng và không quá 200 giờ trong 1 năm, nếu vượt quá quy định trên thì bị xử lý như thế nào?

Điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động hiện hành, trong một số trường hợp được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm (được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10.5.2013 nhưng “người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quản lý nhà nước về lao động tại địa phương”.

Khoản 4 và 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22.8.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07.10.2015 quy định:

“4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

  1. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.”

 

  • Các vấn đề liên quan thuế thu nhập cá nhân.

Người hỏi: Chị Thảo, cư trú tại Long An, hỏi.

  1. Vấn đề 1: NLĐ có thu nhập từ tiền lương trên 2 triệu đồng/tháng và có nhiều nguồn thu nhập thì có được làm cam kết mẫu 02/CK-TNCN hay không? Nếu không được làm cam kết thì có bắt buộc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả thu nhập hay không? Nếu buộc phải khấu trừ nhưng từ trước đến nay đơn vị sử dụng lao động không thực hiện khấu trừ thuế trước khi chi trả thu nhập cho người lao động thì có bị xem là chậm nộp thuế hay không? Có bị xử phạt hay không? Xử phạt theo quy định nào?
  2. Trường hợp làm cam kết mẫu 02/CK-TNCN.

Điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2015/TT-BTC ngày 15.8.2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2015 – sau đây gọi là “Thông tư 111 đã sửa đổi”) quy định:

“…Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

Như vậy, điều kiện để làm cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN là:

  • NLĐ thuộc trường hợp khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% được quy định tại đoạn đầu điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111 đã sửa đổi, trong đó có trường hợp NLĐ là cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên;
  • NLĐ chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%;
  • Ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của NLĐ sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế;
  • NLĐ phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

Nếu không thuộc trường hợp làm cam kết để tạm thời chưa khấu trừ thuế thì người sử dụng lao động phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho NLĐ.

Trách nhiệm khi chưa khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tiết a.3 điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06.11.2013 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2014, 2015 – sau đây gọi là “Thông tư 156 đã sửa đổi”) quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN và quyết toán thuế TNCN thay cho NLĐ không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế. Người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính (theo điểm đ khoản 3 Điều 10 Thông tư 156 đã sửa đổi).

Trong trường hợp người sử dụng lao động không nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm hoặc nộp chậm hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì sẽ bị phạt theo Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15.11.2013 của Bộ Tài chính. Ngoài ra, tùy mức độ hành vi kê khai quyết toán của người sử dụng lao động mà mức độ xử phạt khác nhau (bao gồm bị xem xét là khai sai đến gian lận, trốn thuế).

 

Người hỏi: Anh Thành, cư trú ĐÀ NẴNG.

  1. Đối với những lao động chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả thu nhập nhưng đến nay NLĐ đã nghỉ việc tại công ty, cũng chưa có làm giấy cam kết cho người sử dụng lao động. Ảnh hưởng đến số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ trên tờ khai khấu trừ thuế thu nhập cá nhân mẫu 05/KK-TNCN. Như vậy có phải làm tờ khai điều chỉnh, có xem là chậm nộp thuế hay không?

NLĐ đã nghỉ việc và không thể tái lập giấy cam kết cho người sử dụng lao động. Do đó việc kê khai khấu trừ thuế TNCN của những người này được xem là hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Căn cứ quy định tại Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15.11.2013 của Bộ Tài chính, tùy mức độ hành vi mà sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo lỗi hành vi khai sai hoặc trốn thuế, gian lận thuế.

2. Hợp đồng cộng tác viên nếu hiểu là hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì phải bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội và đóng thuế thu nhập cá nhân nếu có? Nếu hợp đồng cộng tác viên hiểu là hợp đồng dịch vụ thì người sử dụng dịch vụ không phải tham gia bảo hiểm cho cá nhân cung cấp dịch vụ nhưng vẫn phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả thu nhập cho người cung cấp dịch vụ?

Căn cứ các quy định tại Bộ luật lao động hiện hành, nếu xác định hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động theo Điều 15 Bộ luật lao động hiện hành thì người sử dụng lao động và NLĐ phải tham gia bảo hiểm xã hội và đóng thuế TNCN theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và thuế.

Nếu hợp đồng cộng tác viên không đáp ứng các điều kiện để được xác định là hợp đồng lao động như nêu trên thì người sử dụng dịch vụ phải thực hiện khấu trừ thuế TNCN trước khi trả thu nhập cho người cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế TNCN mà không phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên cần lưu ý về điều kiện của người cung cấp dịch vụ trong loại quan hệ cung cấp dịch vụ đó theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

 

Người hỏi: Anh Phú, cư trú Bình Phước.

1-Tiền tăng ca của người lao động toàn bộ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân hay chỉ được trừ đối với phần thu nhập được trả cao hơn so với khi làm việc bình thường?

Căn cứ khoản 9 Điều 4 Luật Thuế TNCN hiện hành, phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật thuộc trường hợp thu nhập được miễn thuế. Như vây, tiền tăng ca của NLĐ không được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN..

2-Khoản phụ cấp tiền điện thoại hàng tháng nếu có quy định mức hưởng trong thang bảng lương của công ty nhưng không nêu rõ điều kiện hưởng thì có được xem là khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân?

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 111 đã sửa đổi, phụ cấp tiền điện thoại hàng tháng không thuộc trường hợp loại trừ của thu nhập chịu thuế. Vì vậy khi xác định thu nhập chịu thuế của NLĐ phải tính khoản tiền phụ cấp tiền điện thoại hàng tháng này.

HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Người hỏi: Chị Thu, cư trú Quận 7.

  1. Hóa đơn giá trị gia tăng cũ chưa sử dụng, nay không sử dụng nữa. Đã đặt in hóa đơn giá trị gia tăng mới, đã làm thông báo phát hành hóa đơn mới, hóa đơn mới đã được sử dụng nhưng vẫn chưa làm thông báo hủy số hóa đơn chưa sử dụng thì có vi phạm hay không? Văn bản nào quy định?

Căn cứ khoản 2 Điều 29 Nghị định số 39/2014/TT-BTC ngày 31.3.2014 của Bộ Tài chính, tùy trường hợp mà tổ chức, hộ, cá nhân có hóa đơn không tiếp tục sử dụng phải tiến hành hủy hóa đơn trong thời hạn quy định. Nếu vi phạm thời hạn này thì bị xử phạt vi phạm hành chính tùy mức độ và trường hợp cụ thể theo quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BTC ngày 17.02.2014 của Bộ Tài chính (Thông tư này bị sửa đổi năm 2016 nhưng các nội dung sửa đổi không liên quan hành vi hủy hóa đơn).

  1. Chi phí sửa chữa văn phòng đi thuê tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thuế thu nhập doanh nghiêp nhưng phần thuế giá trị gia tăng trên hóa đơn chứng từ của khoản sửa chữa này thì không được khấu trừ mà phải tính hết vào chi phí?

Nếu doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng bằng phương pháp khấu trừ, căn cứ điểm i khoản 2 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26.12.2013 (đã được sửa đổi, bổ sung) thì khoản chi tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ thuộc diện không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 

  TRƯỞNG VĂN PHÒNG

Luật sư Đàm Bảo Hoàng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.