Đòi lại tài sản cho đi trước khi kết hôn?

 

 

  1. Đòi lại tài sản cho đi trước khi kết hôn?

Chào luật sư, tôi có vấn đề cần luật sư tư vấn. Cụ thể như sau: tôi và người yêu dự định cưới nhau, cả hai đã ra mắt hai bên nội ngoại và được hai gia đình đồng ý cho tiến tới hôn nhân. Cũng vì hai đứa sắp thành vợ thành chồng nên bố tôi đã bỏ một số tiền ra xin việc cho cô ấy. Nhưng bây giờ cô ấy đòi chia tay không muốn cưới nữa. Vậy tôi muốn hỏi luật sư có cách nào để đòi lại số tiền mà bố tôi đã xin việc cho cô ấy hay không?

Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:

Trong trường hợp cô gái thừa nhận việc bố bạn bỏ một số tiền ra xin việc cho cô gái thì hành vi này được coi như đã xác nhận giao dịch dân sự giữa bố bạn và cô gái. Việc bố bạn bỏ một số tiền ra xin việc cho cô ta là hoạt động tặng cho tài sản có điều kiện, cụ thể là nếu bạn với cô gái đó kết hôn thì tiền bố của bạn bỏ ra xin việc cho cô gái đó sẽ không đòi lại nữa.

“ Điều 116. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

  1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
  2. a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  3. b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  4. c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm củ a luật, không trái đạo đức xã hội.
  5. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện

  1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
  3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Từ những cơ sở pháp lý nói trên thì bố bạn và người yêu đã xác lập một giao dịch dân sự ngầm, do vậy khi hai bạn không kết hôn với nhau, bạn có thể yêu cầu bên nhà gái trả tiền lại.

2.Chuyển tiền sai số tài khoản có đòi lại được không?

Chào luật sư, hiện tại do dịch Covid lan rộng, người dân hạn chế ra đường do vậy tôi không thể ra ngân hàng thực hiện được giao dịch tại ngân hàng. Vì vậy nên phần đa giao dịch chuyển khoản đều thực hiện online qua internet banking. Tôi muốn hỏi là nếu như tôi chuyển tiền nhầm số tài khoản thì có thể đòi lại được không?

Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:

Với câu hỏi của bạn, Luật sư xin trả lời là bạn có thể đòi được tiền đã chuyển nhầm.

Việc đầu tiên bạn cần làm là liên hệ và thông báo sự cố chuyển tiền nhầm với ngân hàng, kèm theo đó là các thông tin cá nhân (CMND/CCCD; địa chỉ; số điện thoại; số thẻ/số tài khoản được mở tại ngân hàng..); hóa đơn chuyển tiền online; mã giao dịch chuyển tiền online. Sau đó, nếu các thông tin mà bạn cung cấp là đúng, ngân hàng sẽ liên hệ giúp bạn lấy lại tiền. Trong trường hợp, người nhận tiền không muốn trả tiền cho bạn thì bạn có thể tìm cách liên lạc với người nhận để yêu cầu trả tiền hoặc bạn có thể gửi trình báo tới cơ quan công an về việc người nhận chiếm hữu số tiền của bạn không có căn cứ pháp luật. Vì người nhận chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nên người nhận có nghĩa vụ hoàn trả tài sản cho bạn.

Khi đó người nhận tiền có thể bị xử phạt hành chính theo điểm e hoặc điểm d Điều 15 NĐ 167/2013 hoặc bị khởi tố hình sự theo Điều 176, Điều 177 Bộ luật Hình sự.

3.Di sản dùng vào việc thờ cúng mẹ cha, các con đương nhiên phải đồng ý?

Chào Luật sư, nhà tôi có 4 chị em, tôi là chị cả, dưới tôi còn một em trai và hai em gái. Cha mẹ chết không để lại di chúc, tài sản để lại là 01 miếng đất có diện tích 1000m². Vì các em đều lập gia đình và có đất ở riêng nên miếng đất nói trên do tôi quản lí sử dụng từ rất lâu rồi. Bây giờ xã được làm đường xá rộng rãi hơn do vậy đất tăng giá so với trước kia rất nhiều. Em trai tôi thấy thế đòi chia tài sản, em trai còn lôi kéo hai em gái còn lại cùng đòi chia tài sản. Tôi không đồng ý với việc này nên em đã viết đơn khởi kiện gửi Tòa án. Sau đó tôi nghe hai em gái nói là chia xong thì phần đất hai em gái được chia cũng sẽ cho em trai đứng tên cả. Các em muốn trích một phần đất để làm đất thờ cúng cha mẹ, phần này cũng sẽ do em trai đứng tên và quản lý luôn. Vậy tôi muốn hỏi luật sư, việc các em khởi kiện tại Tòa án để chia thừa kế miếng đất tôi quản lý, sử dụng từ lâu là đúng hay sai? Nếu tôi không đồng ý việc để em trai đứng tên đất thờ cúng thì em trai có được đứng tên không?

Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì di sản là tài sản của người chết để lại, mà cha mẹ của chị chết đi không để lại di chúc do đó 04 chị em là các đồng thừa kế, thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

  1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
  2. a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  3. b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  4. c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  5. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  6. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Vậy nên việc các em khởi kiện tại Tòa án để chia thừa kế miếng đất cha mẹ để lại dù chị quản lý, sử dụng từ rất lâu là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

“Điều 616. Người quản lý di sản

  1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.
  2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.
  3. Trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.”

Như vậy, theo Điều 616 BLDS 2015 thì việc em trai chị muốn được đứng ra quản lí phần di sản phải có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế, bao gồm cả chị.

4. Vượt quá phòng vệ chính đáng là như thế nào?

Chào luật sư, tôi với anh A là bạn rất thân của nhau. Anh A có giới thiệu một người bạn là anh C cho tôi. Ba người chúng tôi sau giờ làm rất hay cùng nhau đi uống vài chén rượu ly bia. Nhưng rượu vào lời ra, một hôm anh A và anh C xảy ra xô xát, tôi đã kịp can ngăn. Một lần khác, mâu thuẫn lại xảy ra, anh C đấm anh A nhiều lần, anh A không nhịn được nên đã dùng chai bia sành đập trên đầu anh C, mảnh sành làm anh C mất nhiều máu, ngất tại chỗ phải vào viện ngay tức thì. Vậy cho tôi hỏi luật sư, hành vi của anh A có được coi là phòng vệ chính đáng không, anh A có thể bị xử lý hình sự không?

Luật sư Đàm Bảo Hoàng trả lời:

Bộ luật hình sự 2015 có quy định như sau

“Điều 22. Phòng vệ chính đáng

  1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

  1. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Theo đó, thì hành vi cầm chai đập lên đầu anh C của anh A không còn được coi là phòng vệ chính đáng. Vì mặc dù anh C có hành vi xâm phạm tới tính mạng sức khỏe của anh A trước nhưng anh A lại dùng chai đập đầu anh C, hậu quả là anh C nhập viện cấp cứu nên hành vi này được thấy là quá mức cần thiền theo quy định BLHS.

Anh A có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh C do vượt quá phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật dân sự.

Trên đây là một số ý kiến tư vấn cơ bản về những vấn đề mà bạn đang thắc mắc. Nếu quý bạn đọc có bất cứ khó khăn, thắc mắc liên quan đến các quy định về vấn đề này hoặc cần tư vấn luật dân sự, tư vấn doanh nghiệp mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐÀM BẢO HOÀNG

Địa chỉ: số 38/3 (Tầng trệt) đường Nguyễn Văn Trỗi, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP.HCM

Điện thoại: (028)39972098- Luật sư Đàm Bảo Hoàng 0903371160

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.